Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam

(Haiphong.gov.vn) – Sau hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 350 tỷ USD, bình quân tăng trên 20%/năm trong 30 năm qua, đồng thời là khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới, mà đã đến lúc chúng ta cần điều chỉnh và rà soát lại cho phù hợp.

Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đây là một nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt đối với tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta trong thời kỳ mới.

Chiều 6/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam”, với sự tham gia tọa đàm của: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.

Hải Phòng, thành phố có sức hút lớn với nhà đầu tư nước ngoài

Tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã nhấn mạnh vai trò của nguồn vốn FDI trong hơn 30 năm thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, là một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và của Hải Phòng nói riêng.

Về đóng góp của FDI trong thời gian qua đối với Hải Phòng, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thành cho biết, FDI đã có đóng góp lớn vào tổng vốn đầu tư trong nước, giải quyết việc làm từ 30-35% số vị trí việc làm; đóng góp cho ngân sách địa phương đạt con số 17-20%. Đặc biệt, trong quá trình thu hút đầu tư FDI, cũng có một bộ phận doanh nghiệp FDI cũng chú trọng đầu tư đào tạo nhân lực bằng cách ngoài việc thu hút đầu tư nhân lực chất lượng, đã chủ động đào tạo tại chỗ hoặc cử đi đào tạo nước ngoài. Cũng có một số doanh nghiệp đã đào tạo nâng người lao động Việt Nam đến một số vị trí quản lý trong nhà máy.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch, vấn đề chuyển giao công nghệ và chuyển giao trình độ quản lý và đặc biệt là liên kết sản xuất thì còn hạn chế. Đặc biệt trong khi chúng ta đang kỳ vọng tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam được nâng lên nhưng 30 năm qua tỷ lệ này chưa đạt như mong muốn. Phó Chủ tịch đánh giá, Nghị quyết 50 đã đặc biệt quan tâm, chấn chỉnh nội dung này và định hướng thu hút làn sóng FDI mới.

Về vấn đề vốn ảo của các doanh nghiệp FDI, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thành cho biết, tại Hải Phòng, vấn đề vốn ảo kiểm soát được. Hiện tại Hải Phòng, đến hết tháng 8/2019, đã có 673 dự án với tổng vốn đầu tư 17,52 tỉ USD với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư vào như LG, Brigestone. Tổng số vốn của LG đầu tư vào Hải Phòng trên 5,5 tỉ USD, đem lại dòng đầu tư công nghệ cao, và đây là điều Hải Phòng đang hướng đến, chuyển từ số lượng sang chất lượng. Thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố sẽ là thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại với nền công nghiệp phát triển. Hải Phòng cũng đã chủ động xây dựng danh mục những dự án khuyến khích đầu tư và danh mục những dự án không khuyến khích đầu tư, đã chỉ rõ những “vùng cấm” đầu tư nếu ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng đầu tư. Để tránh nhà đầu tư có vốn ảo, thành phố giao một số ngành của thành phố thẩm định, tìm hiểu trước về doanh nghiệp. Đồng thời lãnh đạo thành phố còn trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra xem dòng vốn có thực đưa vào thị trường hay không.

Hải Phòng đang có quan hệ thương mại với 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, riêng các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư vào Hải Phòng đã đạt 38 quốc gia, cùng lãnh thổ với hơn 17 tỉ USD. Đó là kết quả của sự đầu tư của Trung ương, sự nỗ lực của thành phố trong xây dựng kết cấu hạ tầng khu cụm công nghiệp, đặc biệt là địa chính trị, địa kinh tế của thành phố đã đem lại sức hút với các nhà đầu tư – Phó Chủ tịch khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã đánh giá về việc Hải Phòng xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn để lựa chọn các dự án là hoàn toàn xác đáng, đồng thời khẳng định Hải Phòng đang có vị thế rất thuận lợi để có thể lựa chọn nhà đầu tư.

Về vấn đề chính sách ưu đãi với nhà đầu tư nước ngoài, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thành, trong thời điểm hiện nay điều này không còn quá quan trọng bởi Việt Nam đang tham gia vào các Hiệp định thương mại đa phương và song phương, những ưu thế của Việt Nam rất lớn. Với vị trí địa lý đặc thù, như tại Hải Phòng có vị trí địa lý thuận lợi thì doanh nghiệp mong muốn đầu tư vào, còn các chính sách ưu đãi chỉ là một phần thúc đẩy họ. Từ đó, việc cần xem lại việc đặt ra các chính sách ưu đãi, bởi cần có sự công bằng trong các thành phần kinh tế. Luật doanh nghiệp cần sửa đổi để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển. “Cần đồng bộ thay đổi nhận thức của người quản trị doanh nghiệp trong nước và hài hòa chính sách ưu đãi đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư trong nước, như vậy mới có thể có kỳ vọng doanh nghiệp trong nước sẽ lớn lên trước dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam” – Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành nêu ý kiến tại buổi Tọa đàm.

Theo Phó Chủ tịch, thu hút FDI cần dựa vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 821 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kinh tế – xã hội của thành phố. Từ đó, thành phố sẽ tập trung làm tốt quy hoạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp; phân định lĩnh vực đầu tư của từng khu công nghiệp để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư cùng nhóm ngành nghề vào khu công nghiệp, quản lý tốt môi trường, an ninh, từ đó tạo mặt bằng chung để trong một khu công nghiệp đó, nhà đầu tư có cơ hội giảm bớt chi phí vận tải, kết nối được với các doanh nghiệp cùng ngành nghề, tạo môi trường thuận lợi trong sản xuất kinh doanh.

Các vị khách mời tại Chương trình đã rất đồng tình với Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng với quan điểm, ở góc độ địa phương, ngoài việc phải cải cách thể chế từ Trung ương thì còn có một số vấn đề ảnh hưởng đến thu hút FDI, đó là việc đánh giá các chỉ số quan trọng như chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, cải cách hành chính, trong đó có trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức khu vực quản lý nhà nước phải có tâm, có trách nhiệm với các định hướng của Chính phủ, kế hoạch của địa phương để thu hút đầu tư. “Để khi nhà đầu tư nước ngoài đặt chân đến thì họ cảm nhận gần gũi như được về nhà, và sẵn sàng quyết định đầu tư” – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nêu rõ.

Tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết 50 đối với tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế

Tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã cho biết, trong quá trình tổng kết 30 năm thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đi thực tế tại Hải Phòng. Hải Phòng là nơi thực thi rất nhiều chính sách thí điểm trong triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư nước ngoài, các mô hình quản lý mới, các khu công nghiệp lớn như Nomura, Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, và nhiều chuỗi giá trị lớn được thành lập trên thành phố Hải Phòng. Thứ trưởng cho biết đã thu được rất nhiều từ các chuyến đi thực tế tại Hải Phòng, và cũng từ đó có sự tổng kết, báo cáo các cấp có thẩm quyền để tổng hợp trong Nghị quyết 50. “Có thể khẳng định trong Nghị quyết 50 có “bóng dáng” rất nhiều của thành phố Hải Phòng” – Thứ trưởng đánh giá.

Tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nêu rõ, ngay từ những ngày đầu mở cửa, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương để tận dụng các tiềm năng lợi thế của nhà đầu tư nước ngoài trong vốn đầu tư, công nghệ, thị trường… Các chủ trương của Đảng đã được cụ thể hóa bằng 4 Bộ luật đầu tư nước ngoài: Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996, Luật Đầu tư chung năm 2005, Luật Đầu tư chung năm 2014. Thông qua 4 bộ luật đầu tư này, đã tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng cho việc thu hút và sử dụng nguồn đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một nguồn vốn quan trọng hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Với tư cách như là một nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội của đất nước, đầu tư nước ngoài đóng góp cho việc tăng năng suất, tăng giá trị lao động của nước ta.

Thứ trưởng cũng chỉ ra, bên cạnh những mặt tích cực, có những hạn chế nhất định. Đặc biệt, đến thời điểm nay, sau 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài, thế và lực của nước ta cũng đã có những thay đổi. Chúng ta có nhiều cơ hội để lựa chọn hơn và cũng đã đến thời điểm chúng ta cần ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp, dự án phù hợp với trình độ phát triển của chúng ta về mặt khoa học công nghệ. Những dự án mang lại rủi ro về môi trường, xã hội thì chúng ta không chào mời. Chính vì vậy, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã đưa ra những định hướng, chủ trương thu hút nguồn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới nhằm phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn quan trọng này, đồng thời có thể hạn chế những rủi ro có thể đem lại. Đặc biệt, Nghị quyết đã dùng từ “hợp tác” chứ không phải “thu hút”, “sử dụng”, thể hiện sự bình đẳng, chủ động của chúng ta khi làm việc với các đối tác nước ngoài, đồng thời đề cao hơn nữa trách nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ làm ăn tại Việt Nam.

Những điểm nhấn trong Nghị quyết cho thấy chúng ta chào mời những nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng được những tiêu chuẩn cao về công nghệ và lao động, loại bỏ những nhà đầu tư núp bóng, né thuế và chuyển giá. Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá, từ đây sẽ là một giai đoạn mới, với chủ trương này chúng ta có thể mở ra một làn sóng đầu tư mới, một thế hệ FDI mới vào Việt Nam.

Theo Chủ tịch VCCI, thời gian qua, hiệu quả của vốn đầu tư FDI chưa tương xứng với số lượng vốn đầu tư. Chúng ta còn trông cậy vào sự lan tỏa về công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước nhưng chưa làm được nhiều. Trong một chừng mực nào đó, đầu tư FDI nếu không có sự lựa chọn thì thậm chí không những không kết nối được với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước mà còn có hiện tượng “chèn lấn” khu vực này. Theo một thống kê, chỉ 14% doanh nghiệp trong nước cho biết có quan hệ trao đổi, mua bán với doanh nghiệp FDI. Có nhận định cho rằng, FDI đang tồn tại như một “ốc đảo” trong nền kinh tế Việt Nam, và nếu không gắn kết được với các doanh nghiệp trong nước thì FDI không “bén rễ” sâu được vào nền kinh tế Việt Nam, và như vậy, sự mong manh của nguồn vốn đầu tư nước ngoài là rất lớn, bởi nếu có biến động, thay đổi thì họ chuyển đi nước khác. Do vậy, yêu cầu về phát triển bền vững không đạt.

Bên cạnh đó, ở một số khía cạnh, ông Lộc đánh giá FDI mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam chưa cao, chưa có tính kết nối, có hiện tượng chuyển giá, gian lận thương mại. Vì vậy, VCCI rất hoan nghênh Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị định hướng thể chế cho hệ thống pháp luật, để chúng ta định hướng một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. Hiện Việt Nam đang trong quá trình hướng tới một nền kinh tế chất lượng, tăng trưởng cao hơn. Và Nghị quyết này đi theo đúng thực tế đó, để nâng cao chất lượng của nền kinh tế.

Tạo cơ hội kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước

Về vấn đề kết nối của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, chúng ta cần thúc đẩy công nghiệp chế tạo trong nước. Chính trong Nghị quyết 50, vấn đề đảm bảo tính kết nối liên thông giữa đầu tư nước ngoài với thị trường trong nước là một yêu cầu bắt buộc. Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng rất rõ ràng, ngoài việc khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài mua hàng hóa của doanh nghiệp trong nước, còn chỉ ra những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để tham gia vào chuỗi giá trị của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, nếu nói Nghị quyết 50 đưa ra những ràng buộc với nhà đầu tư nước ngoài là chưa chính xác, mà ở đây Nghị quyết 50 chỉ định vị lại đầu tư nước ngoài là một thành phần kinh tế của chúng ta, nó bình đẳng với tất cả các thành phần kinh tế khác, và phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo Chủ tịch VCCI, phải nâng cấp, nâng cao chất lượng doanh nghiệp Việt Nam về trình độ quản trị, công nghệ. Từ đó tạo cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Đồng thời giúp doanh nghiệp trong nước bắt kịp doanh nghiệp nước ngoài trong các vấn đề công nghệ, quản lý.

Cũng cần tính lại tiêu chí ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư phải mang về những hiệu quả thực sự, có giá trị gia tăng, ưu đãi theo hiệu quả chứ không ưu đãi ngay khi vào đầu tư.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cũng đã thảo luận về các vấn đề: đầu tư nước ngoài và an ninh quốc phòng, giải pháp kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, sự phân bổ hợp lý đầu tư nước ngoài giữa các địa phương…

Kết thúc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, chúng ta đang có những cố gắng để thay đổi môi trường kinh doanh, và Nghị quyết 50 với tên gọi “hoàn thiện thể chế và chính sách” sẽ là cú hích quan trọng để chúng ta có thể hoàn thiện môi trường, thể chế kinh doanh, đảm bảo môi trường tự do kinh doanh hơn nữa cho không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà còn cho nhà đầu tư trong nước, góp phần vào việc khẳng định thứ hạng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong ASEAN. Những nội dung của Nghị quyết 50 đã được tích hợp vào các dự thảo luật liên quan để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong thời gian tới, như Luật đầu tư sửa đổi, Luật doanh nghiệp sửa đổi, Luật hợp tác đầu tư PPP, Luật chứng khoán…

Qua hơn 1 giờ tọa đàm thẳng thắn của các vị khách mời, cho thấy đất nước ta đã sẵn sàng đón nhận những dòng vốn ngoại thực sự chất lượng, phù hợp với hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay. Câu chuyện còn dài và còn nhiều trăn trở nhưng sẽ là cơ hội cho những ai biết nắm bắt, biết đặt phồn vinh của đất nước lên hàng đầu.

Minh Hằng lược ghi