Giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài tại Hải Phòng: Nhiều vướng mắc gây chậm, ách tắc

Hải Phòng hiện có một số dự án trọng điểm sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài đang trong tình trạng chậm tiến độ kéo dài nhiều năm; phải gia hạn hiệp định nhiều lần. Việc này gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển của thành phố. Theo lãnh đạo Sở Tài chính, khó khăn, vướng mắc nhiều, chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương nên dù rất muốn thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện các dự án, Hải Phòng vẫn phải chơ.

Dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn chậm hoàn thành do vướng mắc trong giải ngân vốn.

Ảnh: HOÀNG PHƯỚC

 

Thiếu các nguồn vốn

Theo ông Tạ Viết Đông, Giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng, dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng giai đoạn 1 được triển khai từ năm 2004 đến nay nhưng vẫn còn khá ngổn ngang. Hiện nay, vốn ODA của dự án đang thiếu khoảng hơn 1500 tỷ đồng nên nhiều khả năng sẽ không hoàn thành giải ngân trước ngày hết hạn hiệp định vay vốn là 28-1-2020.

Cũng như vậy, tại dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng, lũy kế đến nay giải ngân vốn IDA (vốn vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế) đạt 123,5 triệu USD, bằng 79,5%. Năm 2019, Bộ Kế hoạch- Đầu tư giao kế hoạch vốn cho dự án 141,8 tỷ đồng, đến nay cơ bản giải ngân xong. Còn lại 50 tỷ đồng vốn đối ứng được bố trí kế hoạch từ ngân sách thành phố mới giải ngân được 11,3 tỷ đồng.

Theo Sở Tài chính, năm 2018, tổng số vốn vay ODA được bố trí kế hoạch của Hải Phòng là 1514 tỷ đồng; đã giải ngân 946 tỷ đồng, bằng 62,5% kế hoạch. Số vốn còn lại chưa giải ngân là 568 tỷ đồng, tương ứng với 37,5% kế hoạch giao. Năm 2019, tổng số vốn vay ODA được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch cho Hải Phòng là 216 tỷ đồng; đã giải ngân 199,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 92,4%. Tuy nhiên, nguồn vốn theo yêu cầu còn thiếu nhiều nên cũng ảnh hưởng tới tiến độ của 2 dự án ODA là dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng và dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng giai đoạn 1.

Ngoài ra, tại Hải Phòng, còn có một số dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài cũng trong tình trạng thiếu vốn và giải ngân chậm như dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai hơn 8,8 tỷ đồng chưa giải ngân được đồng nào; dự án hệ thống xử lý chất thải các bệnh viện đa khoa thành phố Hải Phòng mới giải ngân được 1,1/8,19 tỷ đồng; dự án cung cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện phụ sản Hải Phòng 27,2 tỷ đồng cũng chưa được giải ngân.

Nguồn vốn đã khó khăn nhưng số vốn chưa giải ngân năm 2018 đã được Chính phủ đồng ý gia hạn sang năm 2019 đến nay vẫn có nhiều vướng mắc. Theo Sở Tài chính, vướng mắc nằm trong việc nhận nợ của Bộ Tài chính với nhà tài trợ nước ngoài chưa được xử lý dứt điểm. Vì thế, số tiền hơn 500 tỷ đồng của năm 2018 được kéo dài sang năm 2019 nhưng chưa được giải ngân.

Sở Tài chính cũng cho biết, còn có một số nguyên nhân khác khiến vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài giải ngân chậm. Đó là công tác chuẩn bị dự án kéo dài làm cho thiết kế ban đầu không còn phù hợp dẫn đến phải điều chỉnh trong khi quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ có sự khác biệt nên chậm tiến độ (thể hiện tại dự án cung cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện phụ sản). Mặt khác, do năng lực chủ đầu tư không đáp ứng yêu cầu quản lý dự án, chậm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và nhà tài trợ để kịp thời nắm bắt những thay đổi, khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng vốn vay ODA dẫn đến không thực hiện được kế hoạch vốn giao (dự án cung cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện phụ sản; dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai…).

Việc thực hiện Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng bị kéo dài do thiếu vốn và giải phóng mặt bằng chậm.

Đề xuất tháo gỡ vướng mắc

Tại phiên họp thường kỳ trực tuyến tháng 6 của Chính phủ vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ: vốn ODA của 2 dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng và dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng giai đoạn 1 còn thiếu 1625 tỷ đồng trong khi yêu cầu mới nhất là kết thúc đầu năm 2020. Do đó, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí đủ vốn ODA nói trên trong năm 2019 và 2020.

Bên cạnh đó, Sở Tài chính cũng đề nghị Bộ Tài chính, Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại tháo gỡ giúp Hải Phòng sớm giải ngân được số vốn vay ODA hơn 500 tỷ đồng từ năm 2018 chuyển sang. BQL dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng cũng đề nghị các ngành thành phố phối hợp cùng BQL làm việc với các bộ, ngành liên quan, thực hiện các thủ tục để tiếp tục gia hạn hiệp định vay vốn dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng giai đoạn 1 tới ngày 28-1-2021. BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng mong muốn huyện An Dương, quận Hải An giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng, không để xảy ra tình trạng chậm giải ngân vì chậm giải phóng mặt bằng.

THANH HIỆP

baohaiphong.com.vn