Hội nghị phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

(Haiphong.gov.vn) – Sáng 25/6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Dự hội nghị có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Dự Hội nghị về phía lãnh đạo thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Quang cảnh Hội nghị

Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐBB) gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước. Quy mô kinh tế của Vùng đứng thứ 2 cả nước, chiếm gần 32% GDP của cả nước, thu ngân sách chiếm trên 31%, xuất khẩu hàng năm chiếm trên 30%. Vùng KTTĐBB có hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ, là kết quả của việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là theo hình thức đối tác công tư PPP, góp phần tăng cường thúc đẩy liên kết các địa phương trong vùng và các địa phương lân cận tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng và các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm đặc trưng của khu vực Bắc Bộ

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016 – 2018, kinh tế Vùng KTTĐBB tăng trưởng nhanh, quy mô kinh tế luôn giữ tỷ trọng cao trong 4 vùng KTTĐ của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân 3 năm đạt 9,08%, cao nhất trong số 4 vùng KTTĐ và vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 198/QĐ-TTg cho cả giai đoạn 2016 – 2020 (9%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; công nghiệp – xây dựng là trụ cột tăng trưởng của vùng và tập trung đều vào tất cả các địa phương. Tổng thu ngân sách nhà nước đều đạt và vượt dự toán các năm, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của cả nước; chênh lệch số thu giữa các địa phương có sự rút ngắn đáng kể. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được hoàn thiện, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao; công tác CCHC, tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công được các địa phương trong Vùng chú trọng. Y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường và các vấn đề xã hội tiếp tục được cải thiện và chú trọng. Công tác tổ chức lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung xây dựng các đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn… đã được địa phương quan tâm, tập trung triển khai thực hiện.


Thủ tướng và các đại biểu tham quan khu trưng bày các hình ảnh của khu vực Bắc Bộ

Trong 5 tháng đầu năm 2019, Vùng KTTĐBB đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2018, các ngành kinh tế tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) một số địa phương của vùng đều tăng cao hơn cùng kỳ như Hải Phòng tăng 23,06%, Quảng Ninh tăng 13,26%, Hưng Yên tăng 10,71%, Hải Dương tăng 9%, Hà Nội tăng 7,1%; một số địa phương có thu ngân sách cao như: Hà Nội đạt 109.621 tỷ đồng, tăng 19,2% cùng kỳ; Hải Phòng 35.541,1 tỷ đồng, tăng 36,9% cùng kỳ; Quảng Ninh 20.396 tỷ đồng, tăng 18% cùng kỳ; Hải Dương 8.219,01 tỷ đồng, tăng 33% cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành dịch vụ hiện đang là ngành mũi nhọn và đóng góp lớn vào kinh tế của Vùng KTTĐBB nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành chưa bền vững; nguồn thu ngân sách của một số địa phương chưa bền vững, còn phụ thuộc vào một số lĩnh vực, một số doanh nghiệp; phát triển kinh tế – xã hội chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa bền vững; tỷ lệ người nhập cư tăng ở một số thành phố, đặc biệt là Hà Nội đã gây ra tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nguy cơ ô nhiễm môi trường, cung cấp nước và tiêu thoát nước cho các địa phương trong Vùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các địa phương đã tham luận làm rõ kết quả tình hình kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 –  2018 của tỉnh, thành phố và vai trò của tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐBB; đồng thời nghe các bộ, ngành, doanh nghiệp trình bày tham luận về: thực trạng và giải pháp chiến lược phát triển thu hút đầu tư theo hướng bền vững trong Vùng KTTĐBB; vai trò của dịch vụ logistics cảng biển trong liên kết chuỗi dịch vụ logistics tại Vùng KTTĐBB để trở thành cửa ngõ logistics hiện đại của khu vực kinh tế phía Bắc; tiềm năng và thực trạng cung – cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho cách mạng công nghiệp 4.0 trong Vùng KTTĐBB; đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh và hạ tầng đô thị, giao thông của Vùng KTTĐBB; thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông trong Vùng KTTĐBB, định hướng và các giải pháp kết nối hiệu quả hạ tầng giao thông vận tải khu vực Vùng KTTĐBB; thực trạng phát triển dịch vụ du lịch và giải pháp liên kết phát triển dịch vụ du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐBB…

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng làm rõ thêm về những đóng góp của thành phố cho sự phát triển của Vùng từ năm 2016 đến nay. Kinh tế – xã hội thành phố có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và đột phá. Tổng sản phẩm trong nước của thành phố năm 2016 tăng gần 13,5%, năm 2017 tăng trên 14%, năm 2018 tăng 16,27%; 6 tháng đầu năm 2019 tăng 16,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 17% năm 2016 lên trên 22% năm 2017 và tăng trên 25% năm 2018; 6 tháng đầu năm 2019 tăng 23,5%. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu bình quân 3 năm tăng trên 24%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt gần 81.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt gần 25.000 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2019 tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 45.000 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2018. Thành phố đã tập trung cao cùng với Trung ương và các tỉnh bạn để phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, trong tháng 5/2019, Tập đoàn Lavifood đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến rau, củ, quả tại huyện Tiên Lãng sẽ giúp cho các tỉnh phía Bắc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; tháng 6/2019, Tập đoàn Vingroup đã khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast, đây là một dấu mốc quan trọng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết, ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định: Hải Phòng là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước. Hải Phòng là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ biển của cả nước. Thực hiện Nghị quyết số 45, thành phố Hải Phòng đã làm việc với các địa phương: Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh để bàn bạc, thống nhất đưa ra các giải pháp để thúc đẩy liên kết vùng. Đồng thời đã quyết định đầu tư một số công trình mang tính kết nối vùng như: xây dựng cầu sông Hóa để kết nối với Thái Bình; xây dựng cầu Dinh và cầu Quang Thanh để kết nối với Hải Dương.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị và phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đề nghị các tỉnh ưu tiên nguồn lực mỗi địa phương để đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình giao thông liên kết Vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Vùng phía Bắc và cả nước. Đề nghị Chính phủ quan tâm và sớm triển khai dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao kết nối Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; sớm cho phép các nhà đầu tư xây dựng các bến còn lại tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; tập trung chỉ đạo các tỉnh sớm hoàn thành tuyến đường bộ ven biển; đồng thời sớm nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt từ Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình và Nam Định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền các địa phương trong Vùng KTTĐBB về kết quả đạt được thời gian qua. Vùng đóng góp hơn 32% GDP cả nước. Trong 14 tỉnh, thành phố có điều tiết ngân sách về Trung ương thì có toàn bộ các địa phương của vùng. Đồng thời dành thời gian phân tích một số tồn tại, bất cập hiện nay.

Về định hướng phát triển Vùng KTTĐBB thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò của vùng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; phấn đấu cùng vùng KTTĐ Nam Bộ là một trong hai đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất và phát triển năng động của cả nước. Cần có cơ chế thu hút đầu tư từ Trung ương, địa phương, đầu tư xã hội và đặc biệt là đầu tư tư nhân. Cần có thể chế liên kết vùng, cơ chế phối hợp vùng; liên kết trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ rõ nét hơn. Mục tiêu phát triển của vùng phải là đi đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đi đầu trong 3 đột phá chiến lược và đặc biệt là cơ cấu lại nền kinh tế trên tinh thần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Làm rõ hơn mô hình tăng trưởng, đó là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Làm tốt hơn dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, Vùng KTTĐBB cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trong cuộc cách mạng 4.0; quan tâm phát triển đô thị là một động lực tăng trưởng, đồng thời tiếp tục xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chống tham nhũng, lãng phí.

Về thể chế điều hành và mô hình vùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các cơ quan liên quan đề xuất mô hình cụ thể, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ trì tổng hợp các ý kiến phát biểu, các đề xuất tại Hội nghị, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về các giải pháp chủ yếu phát triển Vùng KTTĐBB.

Hoàng Tùng