8 nhóm giải pháp để tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế tập thể

(Haiphong.gov.vn) – Sáng 14/5, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tới dự Hội nghị về phía Trung ương có các đồng chí: Cao Đức Phát, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 13; Nguyễn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về phía thành phố có các đồng chí: Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng; Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; lãnh đạo sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan và hơn 150 Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn thành phố.


Quang cảnh Hội nghị

Theo báo cáo, 15 năm qua, kinh tế tập thể đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế – xã hội thành phố, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở, nhất là địa bàn nông thôn. Nhiều HTX được hình thành, củng cố, đổi mới; xuất hiện một số mô hình điển hình tiên tiến, sản xuất kinh doanh hiệu quả. Liên kết giữa các HTX với các đơn vị, tổ chức kinh tế khác được tăng cường, bước đầu phát huy hiệu quả. Đặc biệt, trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, các đơn vị kinh tế tập thể đã trở thành nhân tố tích cực trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, phát triển thêm sản phẩm, dịch vụ mới, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ thành viên, kinh tế gia trại, kinh tế trang trại, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân và tăng cường sự gắn kết cộng đồng. Những kết quả quan trọng này là tiền đề để tiếp tục củng cố, đổi mới và phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn tiếp theo.

Phát triển kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng. Phát triển kinh tế tập thể là góp phần xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, cùng chia sẻ sự thịnh vượng và quản lý một cách dân chủ, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa thành phố, đặc biệt là đối với nông nghiệp và nông thôn. Phấn đấu đến năm 2030, khu vực kinh tế tập thể, HTX có vai trò và vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố Hải Phòng. Đến năm 2025, kinh tế tập thể đóng góp từ 1 – 1,5 GRDP thành phố; thu nhập của các thành viên và người lao động trong các HTX ổn định, tăng 15%/năm. 100% HTX được tiếp cận thông tin thị trường, khoa học và công nghệ.

Để tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, UBND thành phố đề ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu trong đó trọng tâm một số giải pháp sau: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về kinh tế tập thể, HTX. Chú trọng nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể. Tiếp tục củng cố lại hoạt động của các HTX theo đúng bản chất HTX, Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn. Xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới. Hỗ trợ, khuyến khích nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường hợp tác trong và ngoài nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: phát triển kinh tế tập thể là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, là chủ trương nhất quán của Đảng thể hiện trong cương lĩnh và nhiều văn kiện. Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương đã nêu rõ mục tiêu và 5 nhóm giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế tập thể với nòng cốt là các HTX. Thực tế ở nước ta cho thấy phát triển kinh tế tập thể là nhu cầu khách quan bức thiết để phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế, nhất là để tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Báo cáo tổng kết của thành phố đã được xây dựng công phu, bám sát đề cương của Ban Chỉ đạo Trung ương; nêu cụ thể những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và nguyên nhân của tồn tại, yếu kém, đề xuất quan điểm, mục tiêu, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn đến năm 2030, kiến nghị với các cơ quan Trung ương.

Ban Kinh tế Trung ương nhất trí cơ bản với các nhận định và đề xuất của thành phố và nhất trí với các ý kiến tham luận có tính thực tiễn rất cao được phát biểu tại Hội nghị. Qua khảo sát và nghe báo cáo, tham luận tại Hội nghị, Ban Kinh tế Trung ương rút ra nhiều điều quan trọng để báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương tổng hợp vào đề án chung trình Trung ương. Trong 15 năm qua thành phố Hải Phòng đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13; thông qua việc tổ chức, quán triệt, Thành ủy có Nghị quyết chỉ đạo, UBND có Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết, ban hành nhiều Kế hoạch, Chỉ thị, chính sách và đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết.

Thực tiễn thành phố Hải Phòng cho thấy mặc dù có nhiều khó khăn nhưng kinh tế tập thể đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc ổn định và hỗ trợ phát triển kinh tế trên nhiều địa bàn và nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội của thành phố, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Mặc dù có nhiều tiến bộ, nhìn chung kinh tế tập thể phát triển còn chậm, đóng góp ít trong tổng thể kinh tế của thành phố. Đa số HTX quy mô nhỏ còn gặp nhiều khó khăn, một số HTX chậm đổi mới, nội dung hoạt động, hiệu quả thấp, thậm chí tồn tại hình thức, còn số lượng lớn HTX ngừng hoạt động nhưng chưa được chuyển đổi.

Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhất trí với nguyên nhân khách quan và chủ quan được nêu trong báo cáo của thành phố, nhất là những nhận định về sự không phù hợp, thiếu tính khả thi của một số chính sách như chính sách về đất đai, bảo hiểm xã hội, tín dụng, về chất lượng nguồn nhân lực trong các HTX, bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể… Đồng chí đề nghị cần phân tích sâu hơn về nhận thức và cách tiếp cận đối với kinh tế tập thể, HTX từ môi trường thể chế, tâm lý xã hội nói chung cho phát triển kinh tế tập thể và HTX.

Đồng chí Cao Đức Phát nhất trí cao với chủ trương của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới phải tiếp tục đổi mới và phát triển nhanh hơn kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX để phát huy lợi thế của Hải Phòng, góp phần xứng đáng phát triển kinh tế xã hội của thành phố; 8 nhóm giải pháp chủ yếu được thành phố Hải Phòng đề ra. Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô cần nghiên cứu, đổi mới nhận thức, cách tiếp cận và đặc biệt cần điều chỉnh các chính sách phù hợp với cơ chế thị trường và có tính khả thi cao để có sự chuyển biến mạnh hơn trong sự phát triển của kinh tế tập thể giai đoạn tới. Mặt khác cần tăng cường năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, phát huy cao hơn vai trò của Liên minh HTX và các đoàn thể dưới dự chỉ đạo của các cấp ủy. Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp thu các kiến nghị của thành phố đối với Trung ương, tổng hợp gửi Ban chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng thay mặt Thành ủy cảm ơn những ghi nhận, đánh giá của đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương về kết quả thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) trong 15 năm qua và tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí. Cùng với việc thực hiện 8 nhóm giải pháp chủ yếu, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, quán triệt sâu rộng các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao kinh tế tập thể gắn với Luật HTX năm 2012. Các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện Nghị quyết mạnh mẽ hơn, cụ thể hóa và thực hiện các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Tăng cường công tác xây dựng, củng cố phát triển các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tập thể. Các ngành, các địa phương triển khai ngay việc rà soát, đánh giá lại các đơn vị kinh tế tập thể thuộc ngành, địa phương, trọng tâm là các HTX. Lựa chọn một số đơn vị tốt tập trung hỗ trợ xây dựng thành mô hình mẫu để nhân rộng, nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm trong nước, quốc tế để hoàn thiện mô hình. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể của Trung ương. Rà soát đánh giá, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách. Tăng cường công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục về đăng ký thành lập đơn vị kinh tế tập thể, về thụ hưởng các cơ chế, chính sách.

Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu Liên minh HTX và Doanh nghiệp thành phố không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động, đảm bảo phát huy tốt vai trò đại diện của các đơn vị kinh tế tập thể. Mặt trận Tổ quốc thành phố, các đoàn thể nhân dân các cấp, các tổ chức hội, hiệp hội cần có kế hoạch, chương trình hành động phối hợp với các tổ chức có liên quan thực hiện tốt công tác tập hợp vận động, tuyên truyền giáo dục quần chúng, hội viên, thành viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế tập thể theo đúng tinh thần Nghị quyết và các quy định của phát luật.

Nguyễn Hải