Quản lý Nhà nước bằng pháp luật thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam và Lào

(Haiphong.gov.vn) – Sáng 22/3, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Lào, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào và Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Quản lý Nhà nước bằng pháp luật thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam và Lào”.

Quang cảnh Hội nghị

Chủ trì Hội thảo có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Thongsalith Mangnomek, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Lào; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS Sonethanou Thammavong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố.

Dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng; Nguyễn Xuân Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, các nhà khoa học của hai nước Việt Nam, Lào.


GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu chào mừng, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học đã đến tham dự Hội thảo có nhiều ý nghĩa. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh trên nhiều lĩnh vực như: Internet vạn vật, điều khiển tự động, trí tuệ nhân tạo, trí tuệ thông minh, robot, big data, vật liệu mới, không gian thông thoáng… đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trên mọi mặt của đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh, việc làm, phương thức lãnh đạo. Vì vậy, qua Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng mong các đại biểu, nhà khoa học sẽ đề xuất được các giải pháp, sáng kiến, đóng góp vào sự phát triển của mỗi nước, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị toàn diện giữa Việt Nam – Lào.

Những kết quả thu được qua Hội thảo sẽ được Ban tổ chức chắt lọc để xây dựng báo cáo đầu vào, chuẩn bị cho văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học đã dành thời gian để dự Hội thảo, cảm ơn thành phố Hải Phòng đã đón tiếp nồng nhiệt, phối hợp tổ chức và hy vọng cuộc Hội thảo sẽ thành công tốt đẹp.

Đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Thành phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Thành thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, nhà khoa học đã về tham dự Hội thảo tại thành phố Hải Phòng. Đồng chí nhấn mạnh, chủ đề hội thảo là “Quản lý Nhà nước bằng pháp luật thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam và Lào” đang là nội dung quan trọng được hai Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Đồng chí Bí thư Thành ủy thông tin tới các đại biểu một số kết quả nổi bật qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố. Đặc biệt, vừa qua, thành phố được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng với thành phố. Bộ Chính trị xác định xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2030 phải phát triển Hải Phòng trở thành thành phố văn minh, hiện đại ngang tầm các thành phố tiêu biểu ở châu Á với nhiều chỉ tiêu cụ thể. Cùng với phát triển kinh tế – xã hội, thành phố cũng tập trung nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, xây dựng chính quyền điện tử tại các cơ quan Đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố đảm bảo tính liên thông, kết nối.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, đồng chí Lê Văn Thành khẳng định, thành phố Hải Phòng luôn quan tâm đến những kinh nghiệm các đại biểu, nhà khoa học sẽ cung cấp tại cuộc Hội thảo. Đồng chí cảm ơn Ban tổ chức đã lựa chọn Hải Phòng là địa phương tổ chức buổi Hội thảo quốc tế quan trọng này và chúc các đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, thành công, chúc cuộc Hội thảo thành công tốt đẹp.

PGS.TS Thongsalith Mangnomek, Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Lào phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS Thongsalith Mangnomek, Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Lào nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của cuộc Hội thảo đối với Đảng, Nhà nước và dân dân của hai nước; diễn ra trong thời điểm hai quốc gia Lào, Việt Nam đang triển khai các Nghị quyết của Đại hội vào cuối nhiệm kỳ. Cả hai nước đã đạt được những thành tựu to lớn cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đang triển khai Nghị quyết để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật phù hợp với hoàn cảnh mới, nhằm xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu quả.

Việc tổ chức Hội thảo giữa 4 cơ quan là sự kiện quan trọng, với sự tham gia của nhà khoa học, cán bộ, lãnh đạo quản lý các cơ quan. Thay mặt Đảng, Nhà nước, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Lào, PGS.TS Thongsalith Mangnomek yêu cầu các đại biểu nghiên cứu các vấn đề sâu sắc để góp phần ban hành những chủ trương, chính sách của hai Đảng, Nhà nước tiến lên phát triển bền vững. Đồng thời cảm ơn thành phố Hải Phòng, Ban tổ chức Hội thảo đã có sự chuẩn bị chu đáo để tổ chức Hội thảo. PGS.TS Thongsalith Mangnomek chúc tình hữu nghị giữa Việt Nam – Lào mãi mãi xanh tươi, bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Việt Nam và Lào là hai quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra cho hai nước Việt Nam và Lào nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh. Tuy nhiên, cả hai nước sẽ phải đối phó với nhiều thách thức như: sự tụt hậu về công nghệ, sự rối loạn thị trường lao động truyền thống, khả năng mất an toàn, an ninh thông tin, sự thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao, xâm phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ…

Để thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam và Lào phải đổi mới phương thức quản lý nhà nước bằng pháp luật hướng tới một nền quản trị mở dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Đó phải là nền quản trị đáp ứng các yêu cầu: sự minh bạch trong hoạt động của chính quyền; sự tuân thủ các giá trị đạo đức, nguyên tắc và chuẩn mực chung để duy trì và ưu tiên lợi ích công cộng; trách nhiệm giải trình trước người dân về các quyết định của Nhà nước và sự chịu trách nhiệm về những quyết định đó; sự tham gia của các chủ thể trong xã hội vào quá trình hoạch định, triển khai chính sách và cung cấp dịch vụ.

Lãnh đạo thành phố và các đại biểu, nhà khoa học tại Hội thảo

Tại buổi Hội thảo khoa học, các đại biểu, nhà khoa học tập trung thảo luận những nội dung chủ yếu: Làm rõ những yêu cầu đặt ra đối với quản lý nhà nước bằng pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế; phân tích thực trạng quản lý nhà nước bằng pháp luật ở Việt Nam và Lào trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0…

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu bế mạc Hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá, Hội thảo đã nghe 7 tham luận của các đại biểu, nhà khoa học về các lĩnh vực khác nhau liên quan đến quản lý nhà nước bằng pháp luật về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, tài nguyên môi trường…, nghe 5 ý kiến thảo luận tại Hội thảo và nhận được 19 bài tham luận gửi đến Hội thảo. Các bài tham luận đều hết sức công phu, đi vào từng khía cạnh khác nhau của quản lý nhà nước bằng pháp luật, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Qua các tham luận được trình bày, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn khẳng định, đây là Hội thảo có ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực cả về lý luận và thực tiễn sâu sắc cho cả hai đất nước Việt Nam, Lào. Hội thảo nhấn mạnh đến bối cảnh quốc tế mới, cụ thể là hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động như thế nào đến quản lý nhà nước bằng pháp luật. Đây là yêu cầu đặt ra, đòi hỏi phải có điều chỉnh, thay đổi để hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung của mỗi quốc gia. Hai đất nước Việt Nam – Lào đang tận dụng những thành quả, đồng thời cũng gặp phải nhiều vấn đề do chính cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại; đó là cơ hội và thách thức với sự phát triển của mỗi quốc gia từ quản lý nhà nước bằng pháp luật, đòi hỏi phải có cơ chế chính sách hệ thống pháp luật như nào để điều chỉnh cho phù hợp. Thời gian tới, 4 cơ quan sẽ tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu những nội dung đã đề cập và được gợi mở trong cuộc Hội thảo, kết quả của Hội thảo sẽ được tiếp thu để đề xuất cho hai Đảng, Nhà nước.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn thay mặt 4 cơ quan cảm ơn thành phố Hải Phòng đã tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức Hội thảo cũng như việc đưa Đoàn đi khảo sát thực tế ở một số địa phương, tìm hiểu những mô hình phát triển mới ở địa phương, đây chính là một nội dung quan trọng góp phần vào thành công của Hội thảo.

Hoàng Tùng