Kế hoạch đầu tư công từ nguồn vốn vay vẫn bị động

Theo NQ 10 ngày 20-7- 2017 của HĐND thành phố, nguồn vốn vay được cân đối vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016- 2020 là 11.654 tỷ đồng. Nguồn vốn vay này được xác định trên cơ sở tính toán theo hạn mức tối đa 40% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp được quy định tại Nghị định 89 ngày 29-7-2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng.

Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều vướng mắc và thành phố dự kiến chỉ huy động được nguồn vốn vay khoảng 3835 tỷ đồng, giảm 7819 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay 3 năm 2016- 2018 mới chỉ đạt khoảng 1500 tỷ đồng. Năm 2019, dự kiến theo hạn mức vay đã được Bộ Tài chính giao là 1061 tỷ đồng. Năm 2020 dự kiến tăng 20% so với năm 2019 cũng chỉ đạt khoảng 1273 tỷ đồng.

Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, trong đó có một phần là nguồn vốn vay. Ảnh: Duy Thính

Với khả năng huy động nguồn vốn như trên, các dự án đầu tư công của thành phố được xác định, bố trí từ nguồn vốn vay cũng bị ảnh hưởng theo. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến thành phố phải điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016- 2020 cả về nguồn vốn cũng như danh mục dự án để đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Như vậy, các dự án đầu tư công từ nguồn vốn vay của thành phố vẫn bị động. Nguyên nhân là do các quy định tại NĐ 89 của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài chính- ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng có nhiều khó khăn, vướng mắc do bị khống chế bởi hạn mức vay tối đa theo quyết định giao dự toán của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính hằng năm (theo nghị quyết của Quốc hội về mức bội chi ngân sách Nhà nước hằng năm đối với thành phố Hải Phòng). Hạn mức vay này thường rất thấp, chỉ đạt vài trăm tỷ đồng tới hơn 1000 tỷ đồng/năm như trên. Trong khi đó, theo quy định của Luật Ngân sách 2015, thành phố Hải Phòng được vay không vượt quá 30% số thu ngân sách địa phương hưởng theo phân cấp. Còn theo NĐ 89 thì mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hải Phòng không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Đơn cử, năm 2018, Trung ương giao dự toán thu ngân sách nội địa của Hải Phòng là 22.772 tỷ đồng, trong đó số thu địa phương hưởng theo phân cấp là 18.028 tỷ đồng, tương ứng năm 2018, ngân sách thành phố có mức dư nợ vay tối đa là 7.211,2 tỷ đồng. Nếu trừ số dư nợ của ngân sách thành phố đến ngày 31-12- 2017 là 1.283,9 tỷ đồng thì ngân sách thành phố còn được phép vay thêm tối đa trong năm 2018 là 5.927,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, thành phố lại chỉ được Bộ Tài chính giao dự toán vốn vay năm 2018 là 1.106,6 tỷ đồng, bằng 18,7% số vốn được phép vay thêm tối đa nêu trên.

Những bất cập này đã được phản ánh nhiều lần tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương nhưng chưa có hướng giải quyết hữu hiệu. Vì thế, trong chương trình, kế hoạch thực hiện NQ 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045, thành phố giao nhiệm vụ cho các ngành liên quan như Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp để triển khai thực hiện hiệu quả NĐ 89 của Chính phủ. Từ đó, thành phố mới có thể huy động nhiều hơn nguồn vốn vay, một cấu phần quan trọng trong tổng nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư công, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bứt phá của Hải Phòng trong giai đoạn tới.

Thanh Nhân

baohaiphong.com.vn