Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt họp phiên đầu tiên

(MPI) – Ngày 18/4/2018, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt họp phiên họp đầu tiên. Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban và Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn

Không để khoảng trống trong quản lý Nhà nước khi Luật có hiệu lực

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tại Phiên họp, sau khi Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Luật tại kỳ họp thứ 4, từ tháng 01/2018 đến nay, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (UBPL) đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ và các Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm soát nhân dân tối cao, UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Bộ Chính trị đã họp và cho ý kiến chỉ đạo về mô hình tổ chức chính quyền địa phương và chính sách đất đai tại đặc khu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hai lần cho ý kiến vào dự thảo Luật tại phiên họp lần thứ 20 và phiên họp lần thứ 23. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã 03 lần báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để làm cơ sở phối hợp với cơ quan thẩm tra giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan.

Cho đến nay, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần thông qua các cuộc họp của Thường trực UBPL, UBPL, các Ủy ban của Quốc hội và Hội nghị đại biểu chuyên trách Quốc hội và góp ý của các Bộ, ngành. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý, tiếp thu báo cáo UBTVQH tại phiên họp lần thứ 23 gồm 6 Chương, 84 Điều và 6 Phụ lục. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, đã bổ sung: 26 điều, bỏ 29 điều chủ yếu là chuyển nội dung sang các điều khác để bảo đảm logic, hợp lý hơn.

Tại phiên họp lần thứ 23 của UBTVQH ngày 16/4/2018, đa số thành viên UBTVQH đánh giá dự thảo Luật đã được hoàn thiện, tiếp thu chỉnh lý nhiều nội dung theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đề nghị tiếp tục nghiên cứu rà soát một số nội dung. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, hiện UBPL đang khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần thứ 5.

Về xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật đặc khu, theo dự thảo Luật sau khi chỉnh lý thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành và cơ quan liên quan cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn các điều khoản của Luật. Cụ thể, Chính phủ ban hành 01 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 18 điều khoản của Luật; Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định 03 điều khoản của Luật; Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn 09 điều khoản.

Tại văn bản số 259/UBTVQH14-PL ngày 06/4/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sau khi Luật được Quốc hội thông qua bảo đảm có hiệu lực chậm nhất từ ngày các nghị quyết của Quốc hội về thành lập 03 đặc khu có hiệu lực thi hành. Dự kiến Luật và các Nghị quyết của Quốc hội thành lập đặc khu có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

Xây dựng thể chế, chính sách không trái với Hiến pháp, có tính vượt trội, thông thoáng, có lợi thế để cạnh tranh quốc tế

Sau khi lắng nghe các ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5 tới. Tinh thần là không cầu toàn, phải khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tư duy thống nhất, mạnh dạn xây dựng một thể chế đột phá, tạo động lực phát triển cho 3 đơn vị, lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững. Thể chế, chính sách tại các đặc khu không trái với Hiến pháp, có tính vượt trội, thông thoáng, có lợi thế để cạnh tranh quốc tế. Chính sách phải nhất quán, ổn định và lâu dài. Dự án Luật cập nhật số liệu mới nhất, xác định rõ lợi thế so sánh khu vực và quốc tế, đánh giá kỹ lưỡng tác động trong ngắn hạn và lâu dài, có tầm nhìn tổng thể, chiến lược để hoạch định các chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Trước nhiều ý kiến về ưu đãi đầu tư, tài chính, ngành nghề kinh doanh, mức thuế và thời hạn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị không để khoảng trống trong quản lý Nhà nước khi Luật có hiệu lực. Cần tiếp tục lắng nghe, chọn lọc, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật và có phương án tiếp thu, giải trình chặt chẽ, thuyết phục về lợi ích và chi phí.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tổ chức bộ máy và công tác cán bộ phải có sự chuẩn bị kỹ càng để khi Luật có hiệu lực thì có thể vận hành ngay. Quy định về tổ chức bộ máy theo hướng chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp mạnh về thẩm quyền trong quản lý. Bộ Nội vụ cần làm rõ công việc gì là của Chính phủ, việc gì của địa phương. Xác định rõ mô hình tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, thẩm quyền cụ thể của các cơ quan, kể cả quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát, thi hành án, ngoại giao, thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước… Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch tổng thể các việc cần phải làm, cần có bảng phân công, điểm lại tất cả các đầu việc phải chuẩn bị để không sót việc.

Nhấn mạnh 3 đặc khu này không chỉ của 3 tỉnh mà là của cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu 3 tỉnh cần nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý môi trường. Phải bảo đảm trật tự xã hội, không để “cò đất”, mua bán đất lộng hành trên địa bàn. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận trong xã hội./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư