Khi nào Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn việc tham gia TPP?

Khi nào Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn việc tham gia TPP?

Mặc dù Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương chỉ mới được 12 nước thành viên ký kết tại Auckland (New Zealand) hôm 4/2/2016, nhưng “hơi nóng” của Hiệp định này đã “phả” vào các đại biểu Quốc hội.

“Lúc nào Chính phủ mới trình Quốc hội phê chuẩn tham gia TPP? Số phận của TPP sẽ ra sao nếu Quốc hội Hoa Kỳ không phê chuẩn, tức là Hoa Kỳ đứng ngoài Hiệp định này?”, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Phúc tỏ ra sốt ruột. Ông Phúc cũng không khỏi băn khoăn trước cơ hội thành công khi gia nhập TPP, bởi ông cho rằng, sau 9 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thành quả mà nền kinh tế Việt Nam gặt hái được chưa nhiều.

“Chúng ta đã có kinh nghiệm gì, rút ra được những bài học gì trong thời gian 9 năm tham gia WTO? Chỉ có rút ra được bài học kinh nghiệm, những cái giá phải trả thì tham gia TPP mới thành công như mong đợi”, ông Phúc nhấn mạnh.

Về thời điểm Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn việc tham gia TPP, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP cho hay, tất cả tài liệu liên quan đến ký kết TPP, Bộ Công thương và Đoàn đàm phán đã hoàn tất để trình Chính phủ. Vì vậy, bất cứ lúc nào Quốc hội cần, Chính phủ cũng có thể gửi để Quốc hội cho ý kiến và ký kết Hiệp định.

Mặc dù vậy, ông Khánh cho biết, Trong nhiệm kỳ Khoá XIII này, Quốc hội không còn đủ thời gian để ký kết TPP, kể cả trong trường hợp, ngay ngày hôm nay (4/3/2016), Chính phủ trình TPP lên Chủ tịch nước. Bởi theo quy định, sau khi Chính phủ trình, sau 15 ngày nghiên cứu, nếu chấp thuận, Chủ tịch nước mới gửi tờ trình về việc tham gia TPP lên Quốc hội và tối thiểu 30 ngày kể từ ngày nhận được tờ trình của Chủ tịch nước, Quốc hội mới xem xét, cho ý kiến để thông qua hoặc không thông qua.

Liên quan đến việc, liệu có xảy ra khả năng Quốc hội Hoa Kỳ không phê chuẩn TPP, tức là Hoa Kỳ không tham gia TPP nữa hay không, đứng ngoài Hiệp định này, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Virginia Foote phân tích, không chỉ ở Hoa Kỳ, mà cả thế giới đang rất quan tâm đến cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ. Dù ứng viên Đảng Dân chủ hay ứng viên Đảng Cộng hoà trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, dù Đảng Dân chủ hay Cộng hoà chiếm thế áp đảo ở Thượng viện hay Hạ viện, thậm chí cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ thì tôi tin rằng, TPP vẫn sẽ được Hoa Kỳ ký kết.

“Bởi Hiệp định này không chỉ đem lại lợi ích cho nội khối mà Hoa Kỳ cũng được hưởng rất nhiều lợi ích”, bà Virginia Foote khẳng định.

Trước sự sốt ruột của nhiều đại biểu đề nghị đánh giá mức độ thành công của nền kinh tế, của từng lĩnh vực, ngành hàng khi tham gia TPP, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng: “Thành công hay không cần phải có thời gian và phải hết sức bình tĩnh khi đánh giá”. Tuy nhiên, ông Khánh hết sức tự tin khi cho rằng, cơ hội thành công tham gia TPP của Việt Nam rất cao, bởi thế và lực nền kinh tế, thể chế của nước ta đã khác trước rất nhiều khi tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), BTA (Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ) và WTO.

“Cách đây 20 năm, chúng ta gia nhập AFTA khi vừa mới “chân ướt chân ráo” ra khỏi cơ chế tập trung bao cấp, nền kinh tế nhỏ hơn bây giờ rất nhiều, thể chế cơ chế thị trường mới manh nha. Cách đây 15 năm, chúng ta tham gia BTA, nền kinh tế cũng yếu hơn bây giờ rất nhiều. Cách đây 9 năm, chúng ta tham gia WTO, vị thế của đất nước đã tốt hơn, nhưng không thể so với bây giờ được. Nhưng nhìn lại cả quá trình 20 năm qua, chúng ta có thể nói là đã thành công ở mức độ nào đó khi tham gia hội nhập với kinh tế thế giới và khu vực”, ông Khánh khẳng định và nói thêm, mMở cửa nền kinh tế cùng với việc ký kết, tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mang lại lợi ích cho đất nước, cho doanh nghiệp và từng người dân được hưởng lợi.

Giải đáp băn khoăn của một số đại biểu về việc, tại sao Việt Nam lại phải ký kết riêng với Hoa Kỳ các quy định về lao động, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, trong số 12 thành viên TPP thì đã có 6 nước cùng Hoa Kỳ ký FTA song phương, Nhật Bản và Austria có pháp luật liên quan đến lao động tương đồng với Hoa Kỳ, chỉ còn lại Việt Nam, Brunei và Malaysia có quy định về lao động chưa tương thích với Hoa Kỳ và cũng chưa ký FTA song phương nên Việt Nam ký kết riêng với Hoa Kỳ về nội dung này trong TPP cũng hết sức bình thường.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Anh Sơn,Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Cương cũng đồng tình sớm trình Quốc hội thông qua TPP, song vẫn còn băn khoăn vì nền kinh tế Việt Nam đứng cuối bảng trong số 12 nền kinh tế trong TPP, sản phẩm nông nghiệp nếu vẫn tiêp tục sản xuất, chế biến, canh tác như hiện nay không biết sẽ cạnh tranh thế nào ngay trong thị trường nội địa chứ chưa nói gì đến xuất khẩu vào TPP; hoạt động của công đoàn Việt Nam sẽ ra sao khi TPP yêu cầu các doanh nghiệp nếu có nhu cầu được phép thành lập công đoàn cơ sở độc lập với hệ thống công đoàn hiện nay.

Đề xuất thông qua Dự thảo Luật Hành chính công để đẩy mạnh cải cách thể chế khi tham gia TPP

Bà Trần Thị Quốc Khánh, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, ffiểm yếu nhất khi tham gia TPP của Việt Nam đó chính là phải cạnh tranh về thể chế. Để góp phần nâng hạng cạnh tranh về thể chế, hàng loạt văn bản pháp luật đã được Quốc hội Khoá XIII thông qua, hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách cũng đã được cơ quan hành pháp ban hành. Nhưng còn thiếu “luật gốc” để xử lý căn bản việc cải cách thể chế đó chính là Luật hành chính công. Do đó, bà Khánh mong rằng, Quốc hội thông qua Luật hành chính công “càng sớm càng tốt”, thậm chí có thể thông qua Dự thảo Luật hành chính công ngay tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 2/2016) thay vì để đến Quốc hội Khoá XIV.

Mạnh Bôn