Hải Phòng thu hút nhiều dự án vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo

Hải Phòng thu hút nhiều dự án vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế tới tháng 4 năm 2015, thành phố Hải Phòng có 470 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 11,38 tỷ USD, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tính cả khu vực dầu khí ngoài khơi). Trong đó, tính riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của thành phố đã thu hút được 318 dự án với 7,15 tỷ USD (chiếm 63% tổng vốn FDI vào Hải Phòng).

Dự án FDI lớn nhất của thành phố tính đến thời điểm này cũng thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là dự án Công ty TNHH LG Electronic Việt Nam Hải Phòng, cấp phép ngày 6/9/2013. Tổng vốn đầu tư dự án lên tới 1,5 tỷ USD do nhà đầu tư Hàn Quốc là LG Electronics INC đầu tư. Dự án sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện,điện tử công nghệ cao, tivi màu,ti vi thông minh, điều hòa nhiệt độ, máy giặt…

Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia đổ vốn nhiều nhất vào thành phố cảng này với 124 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 3,57 tỷ USD.

Tính riêng 4 tháng đầu năm 2015, thành phố đã thu hút được 18 dự án cấp mới và 10 lượt dự án tăng vốn với tổng  số vốn cấp mới và tăng thêm là 292,1 triệu USD, đứng thứ 3/40 về đầu tư nước ngoài trong 4 tháng năm 2015.

Trong 3 năm trở lại đây, Hải Phòng liên tục nằm trong 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Để có được kết quả như trên, thành phố đề ra mục tiêu thu hút các nhà đầu tư vào các ngành công nghiệp dựa vào công nghệ, tạo giá trị gia tăng cao, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu… sẽ là xu hướng của Hải Phòng trong thời gian tới. Để tạo môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao, sản xuất phát triển mang tính bền vững, Hải Phòng đã đưa ra bộ chỉ số phát triển thành phố và đưa ra danh mục các dự án khuyến khích đầu tư và không khuyến khích đầu tư. Những dự án với giá trị gia tăng thấp, tác động tiêu cực đến môi trường sẽ bị từ chối.

Cùng với sự tạo điều kiện thuận lợi tối đa của lãnh đạo thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đưa ra các nhóm giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt việc thu hút các doanh nghiệp FDI đến đầu tư tại Hải Phòng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án hạ tầng, tạo sự đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu của Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải là 1 trong 5 nhóm các khu kinh tế được Chính phủ ưu tiên đầu tư vốn ngân sách trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015; ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lương theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008 để giải quyết các thủ tục hành chính phục vụ doanh nghiệp một cách công khai, minh bạch, thuận lợi, nhanh chóng, chính xác.

Ngoài ra, thành phố tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật, công nghệ, tổ chức quản lý đáp ứng yêu cầu của các dự án lớn, áp dụng công nghệ cao, công nghệ và quản lý tiên tiến đầu tư vào Khu kinh tế, Khu công nghiệp; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư một cách chuyên nghiệp, có hiệu quả. Đồng thời, định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, lựa chọn các dự án của các nhà đầu tư có suất đầu tư cao, vốn lớn, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, có giá trị gia tăng cao, sản phẩm thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

 

Cục Đầu tư nước ngoài