Trung tâm dịch vụ cảng biển lớn nhất quốc gia trong tương lai gần

Trung tâm dịch vụ cảng biển lớn nhất quốc gia trong tương lai gần

Ngày 14-4-2013, trên đảo Cát Hải (huyện Cát Hải), trước sự vui mừng của hàng nghìn người dân, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành trung ương và thành phố bấm nút khởi công xây dựng hợp phần A dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện.

 

 

 

 

Đây cũng là thời khắc đánh dấu bước chuyển mình của đảo Cát vốn chỉ có nghề nông sang hình thức mới chưa bao giờ có: đó là dịch vụ cảng biển. Dự án này sẽ đưa Cát Hải trở thành trung tâm dịch vụ cảng biển lớn nhất quốc gia.

Bước chuyển mình vượt bậc

Từ bao đời nay, người dân Cát Hải không nghĩ có ngày đảo Cát bồi ở khu vực 5 cửa sông lại có sự chuyển mình mạnh mẽ đến thế. Ở vùng đất khô cằn, thiếu nước ngọt, người dân quanh năm bám biển kiếm cái ăn, nghèo khó nay lại được xem như một vùng đất tiềm năng để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là kinh tế cảng biển. Thiên thời- địa lợi- nhân hòa đã đưa Cát Hải chuyển mình, trở thành vùng đất tiềm năng nhất của cả nước về cảng biển.

Manh nha từ nhiều năm trước, trải qua nhiều cuộc tranh luận giữa nên và không nên, nhưng rồi các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh tế đã nhìn nhận đảo Cát Hải như một dạng tiềm năng hiếm có để có thể xây dựng một cảng biển nước sâu, hòa vào hệ thống cảng biển hùng hậu của Hải Phòng và cả nước trong chiến lược biển quốc gia. Thế rồi 25.000 tỷ đồng để xây dựng cảng nước sâu, cửa ngõ của khối cảng Hải Phòng chính thức được Chính phủ thông qua, đầu tư về đảo Cát Hải. Một cảng nước sâu lớn nhất quốc gia trong 10 năm trở lại đây đã được khởi công và chủ đầu tư là Cục Hàng hải Việt Nam tuyên bố sẽ về đích trước thời hạn 6 tháng. Như vậy, năm 2017, cảng nước sâu Lạch Huyện sẽ đưa vào hoạt động các bến cảng đầu tiên và lúc đó, đảo Cát Hải sẽ vươn tầm lên vị trí của một vùng đất có dịch vụ cảng biển sôi động của cả nước.

Với quy mô là một cảng cửa ngõ quốc tế, Cảng Lạch Huyện sẽ đáp ứng yêu cầu tiếp nhận tàu công ten nơ, tàu tổng hợp có trọng tải đến 100.000 tấn. Tại đây có vũng quay tàu đường kính lên đến 660m cho tàu trọng tải 50.000 DWT và tàu công ten nơ 100.000 tấn. Những công nghệ thiết bị hiện đại nhất cẩu giàn mép bến sức nâng 54 tấn, cần trục bánh lốp RTG, xe nâng hàng, đầu kéo… sẽ được đầu tư tại Lạch Huyện, bảo đảm tốt cho công tác đầu tư trang bị quản lý, khai thác đồng bộ hiện đại, đảm bảo nhu cầu xếp dỡ hàng hoá thông qua giai đoạn hiện tại, phù hợp với sự phát triển tương lai…

Đồng lòng vì mục tiêu chung

Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được xây dựng tại Cát Hải gặp không ít khó khăn ở giai đoạn đầu trong công tác giải phóng mặt bằng, bởi người dân quen sống trên đảo không muốn di chuyển, sinh sống ở vùng đất khác. Một phương án được đưa ra hợp lòng dân và được ủng hộ cao: đó là tái định cư tại chỗ và di chuyển nghĩa trang về nơi sạch, đẹp hơn. Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền huyện Cát Hải, sự nhiệt tình của người dân và nỗ lực của chủ đầu tư, công tác GPMB đã hoàn thành đúng tiến độ xây dựng. Người dân đảo lại có cơ hội để chứng kiến quê hương mình sẽ thay đổi từng ngày.

Cũng để phát huy khả năng khai thác của cảng nước sâu Lạch Huyện, đầu năm 2014, một cây cầu nối nội thành với đảo Cát Hải đã được Bộ Giao thông-Vận tải khởi công xây dựng. Ước mơ ngàn đời của người dân đảo Cát đã trở thành hiện thực. Cây cầu này cũng sẽ hoàn thành vào năm 2017, trùng với thời gian hoàn thành 2 bến khởi động đầu tiên của cảng Lạch Huyện.

Khi cầu đường và bến cảng đi vào hoạt động, Cát Hải sẽ trở thành một trung tâm dịch vụ cảng biển lớn nhất Việt Nam. Ngoài khả năng tiếp nhận những con tàu xuyên đại dương, vùng đất này sẽ là điểm lý tưởng của các nhà đầu tư, đại diện, đại lý tàu biển của nước ngoài… Những điểm thu hút nổi trội của Cát Hải sẽ biến nơi đây thành một trung tâm logistics về cảng biển đáng nể trên thế giới, vì từ Cát Hải, chỉ khoảng 20km sẽ đến được với cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cũng chỉ khoảng 10km sẽ đến với nút giao thông cuối cùng của đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng. Còn nữa, sự giao thoa về loại hình cảng biển sẽ đưa Cát Hải vừa là điểm khởi nguồn và cũng là điểm kết thúc. Đây là mục tiêu mà tất cả cảng biển quốc tế lớn trên thế giới đang hướng đến.

Công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Cảng Hải Phòng, các tỉnh phía Bắc sẽ phát triển bền vững dựa trên bộ khung vững chắc là Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng – hệ thống logistics và giao thông vận tải đồng bộ, sẽ góp phần thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020: phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển.

Nguồn: Báo Hải Phòng